Trong căn nhà nhỏ ở xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), chị Trần Thị Xuân đang chăm chú nhìn cậu con trai học đàn. Chốc chốc, chị lại chạy vào phòng quan sát cậu em trai Trần Tuấn Anh (SN 1997) đang nằm liệt trên giường.

Chị Trần Thị Xuân cùng cậu con trai khiếm thị học đàn

Hành trình 10 năm cõng em đến trường

Nhớ lại biến cố đầu đời của cậu em trai Tuấn Anh, chị Xuân kể lại: "Từ nhỏ, sức khỏe của Tuấn Anh đã yếu hơn các bạn. Đến năm lớp 4, gia đình đưa em trai đi khám, được các bác sĩ kết luận mắc bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne không có khả năng phục hồi".

Năm 2016, câu chuyện chị Trần Thị Xuân cõng em đến trường khiến nhiều người xúc động (Ảnh: Thu Hường)

Mong muốn Tuấn Anh được phát triển bình thường, hễ có người chỉ điểm ở đâu, gia đình chị Xuân cũng đều đưa Tuấn Anh đến đó để trâm cứu, điều trị. Thế nhưng, đến năm Tuấn Anh vào lớp 7, anh bị liệt hoàn toàn.

Kể từ đó, chị Xuân đã ngày ngày cõng Tuấn Anh đến trường, trở thành đôi chân thứ 2 của em trai. Hai chị em cứ thế trong suốt nhiều năm, dần trở thành quen thuộc như hơi thở.

Dù ngày nắng hay ngày mưa, chị Trần Thị Xuân vẫn cõng em trai đến trường, không quản ngại khó khăn vất vả (Ảnh: Thu Hường). Khi ấy chị Xuân chỉ có 40kg nhưng ngày ngày vẫn cõng cậu em nặng 60kg trên lưng.

Chị Xuân thường dùng chiếc xe lăn để đưa Tuấn Anh đi dạo chơi xa nhà (Ảnh: Thu Hường)

Năm 2015, Tuấn Anh thi đỗ Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng đôi chân bị liệt trở thành "rào cản" cho mơ ước của chàng trai trẻ. Ủng hộ ý chí ham học của em trai, chị Xuân đành bỏ công việc văn phòng để xin làm một công việc bán thời gian ở đối diện trường.

"Tôi xin làm tại một quán nhỏ ở đối diện trường Tuấn Anh học. Khi em tan học cũng là lúc tôi tan làm, tiện qua đón em", chị xuân nói.

Đến khi lấy chồng, có con, chị Xuân lại xin gia đình về ở nhà ngoại để tiếp tục đưa em đến trường, cùng Tuấn Anh "trinh phục" tấm bằng đại học.

"Trường Tuấn Anh học lúc bấy giờ không có thang máy, có một số môn được sắp xếp học ở trên tầng 3. Mỗi lần cõng Tuấn Anh lên tầng 3 học, tôi rất sợ vì cầu thang bộ dốc", chị Xuân kể lại.

Ngày Tuấn Anh sắp tốt nghiệp, người thân trong gia đình ai nấy cũng đều mừng rỡ, hạnh phúc. Đặc biệt là chị Xuân, chị rất vui khi biết tin. Suốt những năm tháng cõng em trai đến trường, chị luôn tâm niệm rằng dù có khó khăn, vất vả đến mấy cũng không bỏ Tuấn Anh ở lại.

"Tôi chỉ mong rằng sau khi Tuấn Anh ra trường, em sẽ có công việc ổn định, tự lo được cho bản thân và có một cuộc sống tốt hơn", chị Xuân chia sẻ.

Tuấn Anh bị suy hô hấp và liệt cơ thể, phải đặt nội khí quản để duy trì sự sống

Chị Xuân thường xuyên kiểm tra, vệ sinh máy thở cho em trai

Tưởng chừng hạnh phúc sẽ mỉm cười sau khi Tuấn Anh tốt nghiệp Đại học, năm 2023, anh phải nhập viện do mắc Covid-19. Mọi ước mơ, hy vọng của chị Xuân dành cho cậu em trai đều tan biến. Tuấn Anh bị suy hô hấp và nằm liệt giường vì biến chứng sau Covid-19, phải đặt nội khí quản để duy trì sự sống.

"Nhiều lần Tuấn Anh tập cai máy thở đều không được, giờ em phải dùng máy thở cả đời. Trước ở bệnh viện, chi phí điều trị cho Tuấn Anh được hỗ trợ hoàn toàn, nhưng khi đưa em về nhà chăm sóc, tiền mua máy thở và những thiết bị, vật dụng liên quan thì gia đình mình tự bỏ tiền ra mua hết hơn 100 triệu đồng", chị Xuân nói.

Gia đình chị Xuân phải đi vay mượn khắp nơi để đủ tiền mua máy thở và các thiết bị liên quan

Mặc dù đã bị liệt trên giường nhưng Tuấn Anh vẫn không chịu khuất phục trước số phận. Anh vẫn thường lên mạng chia sẻ bán hàng online để kiếm thêm thu nhập

Chị Xuân cho hay, ngoài khoản tiền dành dụm của Tuấn Anh sau khi ra trường đi làm, gia đình chị phải đi vay mượn khắp nơi mới đủ chi phí mua máy thở cho em trai.

"Cứ cách 3 tháng, bác sĩ sẽ đến thăm khám, vệ sinh nội khí quản một lần cho Tuấn Anh, mỗi lần như vậy là 4 triệu đồng", chị Xuân cho biết.

Biến cố chồng chất

Chị Xuân vẫn nhớ như in ngày Tuấn Anh lên nhận bằng tốt nghiệp Đại học. Hôm đó, thay vì được cùng em trai lên nhận bằng, chị Xuân phải đưa cậu con trai Vương Hoàng Minh (9 tuổi) vào viện sau khi con nói không nhìn thấy gì.

Căn bệnh bạch huyết khiến đôi mắt của Minh không còn nhìn thấy gì vào năm 4 tuổi. Mỗi khi nói chuyện, mình đều nghiêng đầu sang một bên để nghe rõ hơn

"Tôi vẫn nhớ mãi ngày mà con trai đổ bệnh. Trong lúc đang háo hức vì hôm sau được cùng em trai Tuấn Anh đến trường nhận bằng tốt nghiệp, tôi thấy Minh đi chao đảo, tay liên tục dụi mắt.

Lúc này, Minh hỏi tôi rằng: "Mẹ ơi sao mắt con không thấy gì?". Ngay sau đó tôi liền đưa con đến bệnh. Tại bệnh viện, các bác sĩ chuẩn đoán con bị mắc bệnh bạch huyết" chị Xuân nói.

Khi không có mẹ ở bên, Minh vẫn thường xuyên đi đến chiếc đàn piano để tự học

"Bác sĩ nói không còn hy vọng chữa được đôi mắt cho con, tôi ngã quỵ xuống đất, suy sụp. Khi ấy, tôi không dám nghĩ về tương lai của con sau này, cũng không biết mình phải làm gì tiếp theo.

Từ một đứa trẻ khỏe mạnh hoạt bát, mắt con cứ mờ dần và không còn nhìn thấy mọi thứ vào năm 4 tuổi. Khoảng thời gian đầu chăm Minh ở bệnh viện, có lúc tôi từng nghĩ cùng con buông xuôi tất cả", chị Xuân trải lòng.

Chị Xuân nghẹn lòng khi kể lại hành trình "viết tiếp tương lai" cho cậu con trai

Những ngày sau đó, "tia sáng" của hy vọng bắt đầu lóe lên. Tại bệnh viện, chị Xuân chứng kiến nhiều bạn nhỏ có hoàn cảnh đáng thương hơn nhưng vẫn đang cố gắng giành giật sự sống từng ngày trên giường bệnh. Thấy vậy, chị Xuân dần tĩnh tâm lại, cùng con vượt qua.

"Nhiều lần Minh khóc lóc vì cơn đau hành hạ trong đêm, tôi phải bế con đi khắp bệnh viện để dỗ dành. Bác sĩ thấy cũng hỏi thăm, đến giờ tôi vẫn không tin mình có thể vượt qua được", chị Xuân vội gạt nước mắt.

Phải cho con học cái chữ vì không thể sống bên con suốt đời

Liếc nhìn xa xăm với ánh mắt đượm buồn, chị Xuân vẫn nhớ như in những ngày chật vật tìm trường cho con theo học con chữ. Chị luôn tâm niệm rằng, phải cố gắng cho con học con chữ bằng mọi giá.

Do bị khiếm thị nên giờ đây Minh chỉ có thể cảm nhận mọi thứ bằng giác quan của mình

"Con không may mắn khi bị khiếm thị, mình phải cố gắng cho con được đi học như bạn bè đồng trang lứa. Mình không thể sống bên con suốt đời nên phải cố cho con học cái chữ, nếu không mai sau con sẽ thiệt thòi", chị Xuân nói.

Lúc đầu, chị Xuân cho con xin đi học ở một số trường mầm non gần nhà nhưng thầy cô không dám nhận vì lớp đông, sợ con không may va vào các bạn rồi té ngã, bị thương.

Không nản chí, chị Xuân chạy ngược chạy xuôi khắp nơi, nộp đơn xin cho con được đi học ở nhiều trường. Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười chị Xuân khi Minh trở thành học sinh của trường Nguyễn Đình Chiểu.

Khoảng thời gian sau đó, Chị Xuân để ý trong những món đồ chơi của con, chiếc đàn piano nhỏ nhắn luôn được con lôi ra mỗi khi chơi một mình. Thấy vậy, chị Xuân nảy ra ý tưởng và quyết định xin cho con đi học đàn Piano.

Thế nhưng, không ít lần người phụ nữ này nhận được lời từ chối bởi dạy nhạc cho trẻ khiếm thị rất vất vả và mất nhiều thời gian.

Sau nhiều lần bị từ chối, Minh may mắn được cô giáo Phạm Ánh Ngà nhận dạy piano hoàn toàn miễn phí. "Khi cô giáo nói nhận dạy con học đàn piano tôi mừng lắm. Để con có thể tập luyện ở nhà, tôi đặt mua một chiếc đàn piano cũ rồi mang đi sửa lại. Dù được sửa lại nhưng các nốt vẫn bị rít, khó đánh", chị Xuân cho hay.

Ngoài chiếc đàn piano, con quay nhỏ cũng được Minh rất yêu thích

Ánh mắt đầy tâm sự, chị Xuân chia sẻ, mặc dù đã rất cố gắng nhưng thu nhập mỗi tháng cũng chỉ vọn vẹn khoảng 3 triệu đồng. Trong khi đó, ngoài chi phí sinh hoạt hàng ngày, chị Xuân còn phải dành dụm tiền để đề phòng những lúc Tuấn Anh hay Minh ốm đột xuất phải nhập viện.

"Mẹ tôi sức khỏe yếu, không thể một mình tự chăm sóc Tuấn Anh. Tôi chủ động xin công việc có mức lương thấp ở gần nhà. Tuy thu nhập thấp nhưng có chuyện gì thì tôi có thể về ngay, mình thoải mái tự do đi lại, không phụ thuộc vào công việc", chị Xuân nói.

Khi được hỏi về mong muốn của bản thân, chị Xuân bảo rằng chỉ mong Tuấn Anh và các con khỏe mạnh.

"Nếu có tiền, tôi sẽ mua cho Minh chiếc đàn piano khác vì đàn của con cũ lắm rồi, nhiều chỗ phải "chắp vá". Nhưng số tiền nợ mọi người tôi còn chưa trả hết, tiền viện phí, điều trị cho Tuấn Anh còn phải xoay xở. Tôi không biết bao giờ mới đủ tiền mua cho con", chị Xuân thở dài.

Mọi sự giúp đỡ, quý độc giả có thể gửi về:

Số tài khoản: 19037851225015

Ngân hàng: Techcombank

Chủ tài khoản: Trần Thị Xuân

Hoặc liên hệ trực tiếp với chị Trần Thị Xuân qua số điện thoại: 0977038491